icon icon icon

Lễ cài sào là gì? Những điều cần biết khi cúng hoàn thành nhà mới

Đăng bởi Phan Cẩm Tú vào lúc 20/02/2021

Theo quan niệm tâm linh, để một công trình có thể thuận lợi đi vào hoạt động thì ngay khi quá trình xây dựng kết thúc gia chủ cần làm một nghi lễ có tên gọi là lễ cài sào. Trong bài viết này hãy cùng Mỹ Việt tìm hiểu về lễ cài sào và cách cúng khi hoàn thành nhà mới giúp mang lại nhiều may mắn nhé!

Danh mục nội dung

1. Lễ cài sào/ lễ hoàn thành là gì?

2. Chọn ngày, giờ làm lễ cài sào như thế nào?

3. Chuẩn bị những gì trước khi làm lễ

4. Cách cúng và văn khấn lễ cài sào

5. Những điều cần chú ý khi về nhà mới

1. Lễ cài sào/ lễ hoàn thành là gì?

Lễ cài sào là một nghi lễ dân gian đã xuất hiện từ xa xưa trong văn hóa tâm linh của người Việt. Khi một ngôi nhà mới được hoàn thành gia chủ sẽ tổ chức một lễ cúng gia tiên và thổ thần tại khu đất đó để cầu mong sự an khang, may mắn sẽ đến cho gia đình mình khi chuyển vào sinh sống tại đó.

Trước kia khi đa số các công trình nhà ở được xây dựng chủ yếu dưới dạng nhà nhiều gian bằng gỗ thì trong buổi lễ này gia chủ sẽ đặt cây thước tầm lên đỉnh mái nhà tại nơi cao nhất của gian chính giữa. Đây cũng chính là nguồn gốc của cái tên “lễ cài sào”. 

Lễ cài sào bắt nguồn từ tập tục cài cây thước tầm lên nóc nhà của người xưa

Lễ cài sào bắt nguồn từ tập tục cài cây thước tầm lên nóc nhà của người xưa

Ngày nay lễ cúng diễn ra đơn giản hơn, gia chủ chỉ cần chuẩn bị đầy đủ mâm cỗ, dâng hương và đọc văn khấn trong buổi lễ này. Sau buổi lễ có thể tổ chức ăn uống, mời người quen, bạn bè đến chung vui giống như ăn tân gia vậy. 

Tuy nhiên dù ở thời xa xưa hay hiện tại, chuẩn bị đầy đủ và thực hiện lễ cài sào đúng cách là điều mà gia chủ phải đặc biệt chú ý để có thể rước vận may đến, xua đuổi những điều xấu khỏi ngôi nhà mới của mình.

2. Chọn ngày, giờ làm lễ cài sào như thế nào?

Cũng giống như những nghi lễ quan trọng khác, lễ cài sào nên được thực hiện vào những ngày, giờ đẹp để mang lại may mắn cho gia chủ. Cụ thể có 3 điểm cần lưu ý khi chọn ngày giờ làm lễ mà gia chủ cần phải ghi nhớ như sau:

Chọn ngày giờ hoàng đạo: Theo quan niệm dân gian sẽ có những ngày nhất định trong năm được coi là ngày hoàng đạo phù hợp cho việc nhập trạch, trong đó có thể kể đến một số ngày như: 

  • Tốc Hỷ: mang ý nghĩa là niềm vui đến nhanh với gia đình.
  • Đại An: ý cầu mong vạn sự bình an, tốt lành, làm gì cũng thuận lợi.
  • Tiểu Cát: ý cầu may mắn, tài lộc cho gia đình.

Gia chủ tùy vào mong muốn của mình có thể lựa chọn một trong những ngày trên để làm lễ cài sào. 

Chọn ngày giờ hoàng đạo để tổ chức lễ cài sào suôn sẻ

Chọn ngày giờ hoàng đạo để tổ chức lễ cài sào suôn sẻ

Chọn ngày hợp tuổi gia chủ: Trong các sự kiện đặc biệt nào của một gia đình như xây nhà, cất nóc, cưới hỏi,... thì những chuyên gia phong thủy cũng thường khuyên rằng bạn nên chọn ngày phù hợp với tuổi của gia chủ. Điều này cũng tương tự với lễ cất sào. Bạn nên chú ý chọn những ngày thuộc tam hợp, tránh những ngày thuộc tứ hành xung với tuổi của gia chủ. Chi tiết hơn nữa bạn cần xét đến yếu tố thiên can và địa chi trong tuổi của chủ nhà để xác định xem ngày nào tốt, ngày nào xấu. 

Tránh ngày hung kỵ: Trong một năm luôn có những khoảng thời gian được coi là hung kỵ khi các năng lượng xấu hội tụ. Gia chủ nên tránh làm những việc quan trọng như làm lễ cất sào trong thời điểm này để hạn chế xui xẻo, tai ương. Một số ngày hung kỵ mà gia chủ nên đặc biệt chú ý là ngày tam nương (mồng 3, mồng 7, ngày 13, 18, 22, 27 hàng tháng), ngày nguyệt kỵ (mùng 5, ngày 14, 23 hàng tháng) và ngày xích khẩu. 

Tất cả các ngày tốt, xấu trên đều được tính dựa theo âm lịch. Trong trường hợp bạn không biết đâu là ngày hoàng đạo hoặc giờ đẹp để làm lễ thì có thể tra cứu trên mạng Internet. Để chính xác hơn nữa thì tốt nhất bạn nên nhờ những người có kiến thức về phong thủy để xem ngày làm lễ.

3. Chuẩn bị những gì trước khi làm lễ?

Mâm lễ cúng cài sào thường không đòi hỏi quá phức tạp, chỉ cần bao gồm hương hoa, thức ăn và hoa quả. Tuy nhiên, tùy vào khả năng tài chính của mỗi gia chủ mà mâm lễ có thể đặc sắc hoặc đơn giản. Nhìn chung một mâm lễ cài sào cơ bản sẽ bao gồm những lễ vật sau:

Mâm ngũ quả là phần không thể thiếu trong một buổi lễ cài sào

Mâm ngũ quả là phần không thể thiếu trong một buổi lễ cài sào

  • Hoa quả: 5 loại hoa quả theo mùa (chú ý chọn hoa quả đẹp, tươi, màu sắc).
  • Thức ăn: Xôi đậu hoặc xôi gấc; gà trống luộc; thịt heo quay nguyên miếng; một miếng thịt heo luộc; một con tôm hoặc cua luộc.
  • Bánh kẹo: Một số loại bánh kẹo, xôi chè.
  • Lễ vật khác: Lọ hoa tươi (hoa cúc vàng hoặc hoa hồng; nhớ chọn số cành lẻ); nến; nhang; rượu; nước sạch; đĩa gạo và đĩa muối; trà; trầu cau.

4. Cách cúng và văn khấn lễ cài sào

Trước khi bắt đầu lễ cúng, gia chủ cần lau dọn sạch sẽ bàn thờ/ bàn cúng. Sau đó bày hoa quả và các vật phẩm khác lên bàn thờ, thắp nhang, châm tửu, châm trà để chuẩn bị bắt đầu buổi lễ. Khi giờ lành điểm gia chủ thắp nhang và bắt đầu đọc bài văn khấn. 

Bài văn khấn lễ cài sào

Bài văn khấn lễ cài sào

Khi bài văn khấn kết thúc gia chủ có thể học theo người xưa đặt một cây thước tầm lên đỉnh mái nhà (với những nhà có điều kiện) hoặc không có thể giản lược nghi lễ này. Thay vào đó gia chủ có thể nấu nước sôi pha trà, bật bếp nấu ăn để báo hiệu nhịp sống vui vẻ, ấm áp bắt đầu. 

Sau khi hoàn thành buổi lễ, gia chủ có thể thừa lộc để chia sẻ cùng người thân và bạn bè đến thăm nhà mới. Đừng quên giữ lại hũ muối, hũ gạo trên bàn thờ vì đây là biểu tượng của sự no đủ và sung túc.

5. Những điều cần chú ý khi về nhà mới

Theo phong thủy, bên cạnh những lễ cúng như trên gia chủ còn cần chú ý thực hiện một số nghi thức trước khi dọn về nhà mới để cầu bình an và may mắn:

Xông nhà bằng lá thơm: Trước khi dọn đồ sang nhà mới gia chủ nên chuẩn bị một số loại thảo mộc để xông nhà nhằm xua đuổi trướng khí và côn trùng. Các loại thảo mộc nên chuẩn bị thường bao gồm vỏ bưởi, vỏ cam, cây sả, bồ kết,... ngoài ra có thể thêm trầm hương để tăng mùi thơm. Chú ý khi xông nhà phải hết sức cẩn trọng, tránh gây cháy nổ.

Xông nhà bằng hương liệu giúp xua đuổi tà ma

Xông nhà bằng hương liệu giúp xua đuổi tà ma

Mang bếp nấu và chiếu vào nhà trước: Vào ngày nhập trạch, gia chủ cần chuẩn bị một chiếc bếp than hoặc bếp lò đặt ở cửa ra vào, sau đó bước qua trước khi vào nhà. Đừng quên mang theo một chiếc chiếu bạn đang dùng cùng bước vào vì đây là vật đại diện cho việc gia đình bạn kể từ giờ sẽ sinh sống tại ngôi nhà này. Chú ý không mang nước, chổi quét nhà hay bếp điện vào nhà trước vì chúng có ý nghĩa không may mắn.

Tự tay chuyển đồ vào nhà mới: Đồ đạc trong nhà mới nên do chính tay các thành viên trong gia đình dọn dẹp và sắp xếp. Đặc biệt bài vị của tổ tiên phải cho chính gia chủ mang đến nhà mới.

Đun nước ngay trong ngày đầu tiên dọn đến ở: Khi vừa dọn đến đừng quên đun một ấm nước sôi vì đây là biểu tượng cho nhịp sống mới dồi dào, ấm no bắt đầu cho gia đình bạn. Ngoài ra hãy đóng nắp các bồn rửa mặt trong nhà, sau đó bật vòi nước cho chảy thật nhỏ trong thời gian dài, điều này ám chỉ cuộc sống no đủ, của cải dồi dào cho gia chủ.

Đun một nồi nước sôi ngay khi về nhà mới là phong tục mang ý nghĩa may mắn cho gia chủ

Đun một nồi nước sôi ngay khi về nhà mới là phong tục mang ý nghĩa may mắn cho gia chủ

Bật điện sáng trong 3 đêm đầu tiên: Người xưa thường quan niệm dầu đèn là biểu tượng của sự ấm no, đèn còn sáng thì yêu khí không thể xâm phạm. Vì vậy khi mới chuyển tới nhà mới đừng quên giữ cho đèn điện trong nhà bạn sáng suốt 3 đêm đầu tiên để gia tăng vượng khí. 

Giữ tâm trạng vui vẻ khi chuyển nhà: Khi chuyển sang nhà mới hãy cố giữ không khí vui vẻ, hòa thuận giữa các thành viên ngay cả khi công việc vất vả. Vì điều đó thể hiện cho cuộc sống hòa thuận, vui vẻ trong tương lai cho gia đình bạn.

Xem thêm: Tất tần tật những điều cần biết về lễ ăn mừng nhà mới năm 2021

Trên đây là những thông tin bổ ích về lễ cài sào và những điều cần biết khi hoàn thành nhà mới. Đừng quên tham khảo những bài viết khác của Mỹ Việt để có thêm nhiều kiến thức bổ ích về xây dựng công trình nhé!

Tags : lễ cài sào là gì, lễ hoàn thành, lễ tân gia
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Hệ thống đại lý